Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

TRƯỜNG CŨ TÌNH XƯA


VUI NGÀY GẶP LẠI

Cho tôi mơ lại từ đầu
Những ngày cắp sách qua cầu nhớ thương
Hoa Phượng vẫn thắm sân trường
Đậm mầu ký ức còn vương tháng ngày...

Tôi trở về trường xưa sau hơn 40 năm xa cách. Tôi đã gặp lại Thầy Cô và các bạn xưa trong một ngày Hội Ngộ Tri Ân Thầy Cô.

Buổi chiều hôm ấy nắng còn chưa tắt, cái nóng bên ngoài vẫn còn chứa chan. Có lẽ Tiến là người đến sớm nhất và chờ chúng tôi đến để mang giúp các thứ bánh vào khán phòng. Cảm ơn Tiến thật nhiều vì đã cho tôi cái cảm giác an tâm khi trở về quê hương mình, mà bây giờ đã xem như là xứ lạ quê người. Dù sao thì Thầy Thi và Tiến cũng cho tôi lòng tin và vui mừng vì ở những phút đầu tiên đã thấy đủ cả Thầy và bạn rồi.

Cám ơn Truyện, Tiến đã thay tôi mà mời tất cả mọi người đến đây. Cám ơn Nhan, Nga, Bé Nhu đã thay tôi mà lo mọi chuyện trong ngoài.

Chúng tôi chuẩn bị xong cả và vẫn chưa thấy ai đến. Tôi hơi thắc mắc và lo không biết có chuyện gì xảy ra không? Nỗi lo vừa sắp bùng lên đã kịp tắt ngấm vì rất đông các bạn ào tới như đàn ong vỡ tổ, như học trò đến giờ vào lớp học. Tôi cảm động đến rưng lệ vì ai cũng mừng rỡ ôm hôn tôi với lòng trìu mến thương yêu. Các bạn cho tôi thấy mình được trân trọng và ưu ái. Tôi như một đứa em gái bé bỏng đi xa thật lâu vừa mới trở về nhà. Tình cảm các bạn dành cho tôi thật đẹp quá. Cảm xúc đọng lại trong lòng tôi thật lâu và chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên.

Cám ơn những người bạn mà tôi chưa từng quen biết hay cũng có thể vì lâu quá nên tôi đã quên, các bạn vẫn yêu thương tôi với tình cảm thật đậm đà. Tôi đã cảm nhận được điều đó trong từng cử chỉ, từng ánh mắt của các bạn. Ôi ! tôi yêu các bạn quá đi...

Tôi vốn là một người thích sống giản dị, không thích phô trương. Với ý định đến và đi âm thầm không phiền lụy đến người khác. Khi tôi về tôi vẫn nghĩ là tôi sẽ không thông báo với ai cả. Nhưng rốt cuộc rồi mọi sự đã chuyển biến trái ngược lại. Vì các bạn rất yêu tôi. Điều đó cũng đã làm tôi rất cảm động và hạnh phúc.

Không khí thật ấm áp, khung cảnh thật trang trọng. Đó là tất cả những gì mà chúng tôi muốn dành cho Thầy Cô và các bạn ngày hôm nay.

Từng lời Tri Ân Thầy Cô tràn trong tâm tưởng, ánh lên trong đôi mắt. Các bạn tôi vui mừng ríu rít chuyện trò như chưa bao giờ chúng tôi rời xa nhau. Thầy hát, các bạn hát những tiếng hát nối nhau như lôi chúng tôi về với lớp học của ngày xưa, trong những ngày vui nhất của tuổi học trò.

Mấy nhỏ bạn nối khố của tôi như Nhan, Loan, Lan...cũng có mặt đầy đủ, chỉ thiếu nhỏ Hoa còn ở nước ngoài chưa về thôi. Ngoài ra còn có chị Tho, Châu, Tuyết. Nhiều bạn từ những năm Đệ Thất, Đệ Lục như Anh, Quan, Truyện, Diệp, Tư, Lâm, Ngà, Tường...
Xa và lâu như vậy mà các bạn cũng có mặt, thật quý biết bao. Ngoài ra còn những lớp đàn chị như chị Mười Một. Các lớp đàn em như Hoa, Trinh, Nga, Hồng, Bông...

Ngoài ra cũng có các bạn thật chân tình đến từ Trường Nông Lâm Súc nữa. Thật là quý biết bao.

Có lẽ bận rộn quá nên tôi cũng không biết mình có thiếu sót điều gì không. Mãi đến khi Nhan nói - Chưa ôm Trinh kìa. Mà lúc đó tôi nhìn thấy em Trinh đã ngồi phía trong rồi, nên tôi nghĩ khi gặp lại tôi sẽ ôm em vào lòng và nói chuyện với em nhiều, nhiều hơn. Em út của tôi ơi, làm sao mà quên em cho được.

Hôm nay tự nhiên tôi được trở thành một người mà các bạn rất quan tâm, các bạn đã xem tôi như một thành viên quan trọng trong gia đình Bán Công Lái Thiêu. Tôi thật cảm kích các bạn. Các bạn gọi tôi đến hết bàn này đến bàn khác và ai cũng muốn tôi đến nói chuyện và chụp ảnh lưu niệm, thật là dễ thương làm sao. Cho tôi cái cảm giác vừa vui, vừa sung sướng vừa ngại ngùng như một cô dâu mới...

Tôi hơi hụt hẫng, hơi buồn khi nghe các Thầy Cô bị bệnh không tới được. Tôi vẫn cầu mong các thầy cô luôn khỏe mạnh, sống đời yên vui đến trăm tuổi. Rất tiếc Thầy Cô đã không thấy được tấm lòng của các học trò mình. Mong rằng các thầy cô vẫn cảm nhận được mọi điều rất tốt đẹp đang diễn ra ở nơi đây.

Tôi biết rằng chắc chắn sẽ có điều thiếu sót, có điều không hài lòng. Chắc chắn sẽ có những việc ngoài dự tính. Nhưng các bạn ơi, nếu có gì sơ suất hoặc không được chu đáo thì cũng xin vì yêu Hoàng Kim như các bạn đã từng yêu mà bỏ qua nhé.

Mọi thứ trong lòng tôi đều rất tốt đẹp, rất nghĩa tình. Mà tôi nghĩ rằng sẽ khó có được một lần thứ hai như vậy trong đời.

Hoàng Kim Mimosa
3/25/2017

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

EXPO MILAN


EXPO MILAN 2015

Trong một chuyến du lịch Âu Châu được sắp xếp trước, tôi đã đến Italy đúng vào lúc Hội chợ Quốc Tế Expo 2015 được tổ chức tại Milan Ý. 
Expo Milan lần này có tất cả 145 quốc gia tham dự. Được khai mạc từ ngày 1 tháng 5 /2015 đến hết ngày 31 tháng 11 /2015. Với Chủ đề " Nuôi sống hành tinh, năng lượng cho cuộc sống ". Và họ dự định đón khoảng 20 triệu du khách từ khắp năm Châu đổ về Milan.

Đây là dịp để các nước giới thiệu hình ảnh quốc gia của mình, cũng như du lịch, ẩm thực ra thế giới. Do đó nên nước nào cũng chăm chút cho ngôi nhà của nước mình. Từ cách trang trí cũng như cách tiếp đãi du khách đến tham quan. Vì đó nên các nước trên Thế giới đều mong muốn cho mọi người thấy nguồn thực phẩm an toàn, giá trị dinh dưỡng cao cũng như mang ra trưng bày một tác phẩm nghệ thuật, một nền văn hoá tinh tuý, một thiết kế độc đáo nhất để giới thiệu cho quốc gia của mình. 

Việt Nam lại mang một hình ảnh không được như mong muốn. Tôi lấy làm tiếc và nghĩ rằng chúng ta có thể làm được hơn như thế rất nhiều. 

Đi một vòng qua ngôi nhà triển lãm của các nước mới thấy được rằng nước nào cũng có cái đáng xem. Tôi nhìn thấy những ngôi nhà với nhiều thiết kế khá to lớn, nỗi bật của các nước như Ý, Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Đại Hàn, Thái Lan, Mã Lai... Tôi thật sự choáng ngợp với những trưng bày và công nghệ hiện đại của quốc gia họ. Khi vào xem bên trong lại càng thấy rỏ sự trang trọng trong cách trình bày, văn minh và tinh tế. Điều đó khiến mọi người đều thấy được niềm tự hào quốc gia của họ. 

Tôi rất muốn đến ngôi nhà Việt Nam để xem ra sao. 
Nhìn tổng quan thì thấy cũng dễ thương với những thiết kế tre cũng lạ mắt với du khách, cũng tốn khá nhiều công sức khi mang một số tre lớn như vậy từ Việt Nam sang, nhưng cảm giác không được hài hoà. Phải chi tất cả những thứ đó được sắp xếp chung với ngôi nhà tre hay gỗ, lá...thì sẽ thích hợp hơn là tường đúc và nền gạch. Tôi nghĩ ý tưởng này giống một quán cà phê ở Việt Nam. 

Mấy năm trước khi về VN tôi có vài lần đến quán cà phê " Gió và Nước " ở Bình Dương cũng thiết kế như vậy, nhưng với những ngôi nhà tre lá, trong không gian hương đồng cỏ nội nhìn thấy thích hợp hơn. Và đi đôi với lối kiến trúc đó có lẽ nên thiết kế không gian thôn dã với vài bụi tre tàu, cánh đồng lúa vàng, sông nước Hậu giang... trâu và mục đồng hay Chợ nổi với ghe thuyền trên sông, cầu ao, vó cá thì chắc có ý nghĩa hơn. 

Đến chính diện thì còn chán hơn với các tượng múa rối nước trong hồ với màu sắc loè loẹt, rẻ tiền. Hai cửa bên hông cũng là những tượng tương tự như vậy nhưng to đùng và thô kệch. 
Người ngoại quốc họ sẽ nghĩ chúng ta đang làm gì với những hình thù đó. Chỉ có thể cho con nít nhìn chơi mà thôi. Chứ văn hoá quốc gia gì với những hình tượng rẻ tiền như vậy chứ. Đó chẳng qua chỉ là một tiết mục biểu diễn tầm thường mà thôi. Vã lại đâu có ai mà giãi thích cho họ biết đó là gì mà họ hiểu. Đó không phải là những thiết kế, trang trí sâu sắc của một quốc gia, để cho bao nhiêu người trên thế giới chiêm ngưỡng và suy gẫm. 

Tôi lấy làm tiếc, phải chi chỉ cần để hình các cô gái VN mặc áo dài trắng đội nón lá, bằng thạch cao trắng đơn giản hoặc cô gái mặc áo dài miền trung, áo tứ thân...Hoặc người đàn bà gánh hàng rong...thì sẽ dễ thương biết bao.

Bước vào trong ngôi nhà thì cũng chẳng ai tiếp đãi, chẳng ai giới thiệu gì về nước Việt Nam cả. Tôi nghĩ đó là một thiếu sót rất lớn. Trên lầu chỉ có vài TV nhỏ chiếu những hình ảnh du lịch Việt Nam mà thôi. Cũng có vài gian hàng bán đồ lưu niệm. Gồm có ít hàng gốm sứ thô sơ, tranh sơn mài và vài cái bình sứ...kém mỹ thuật. Còn lại là các thứ đồ chơi rẻ tiền, nón lá, túi xách, quần áo kém chất lượng, hầu hết kiểu dáng xuất xứ từ Trung quốc. Những món hàng đó trưng bày chỉ như một gian hàng lề đường mà thôi, thấy thật xấu hổ. Trong khi các nước khác họ chỉ trưng bày thôi chứ ít khi bán hàng. 

Tôi nghĩ tại sao không khoe những hàng quần áo cao cấp, thanh nhã của VN, hay mặt hàng tranh thêu XQ
Đà Lạt hoặc hàng gốm sứ Minh Long Lái thiêu Bình Dương... Chủ đích không phải để kiếm chút tiền còm, mà là để thiên hạ trên thế giới thưởng lãm nữa chứ. 

Bên trong có một sân khấu nhỏ trình diễn các nhạc cụ dân tộc xem cũng tạm được. Nhưng còn màn Hầu Đồng thì thật sự làm tôi hổ thẹn. Chúng ta cho thế giới thấy gì? Và giãi thích sao với màn biểu diễn này?
Trong khi những nước khác đang phô trương những văn minh, công nghệ hiện đại mà thế giới phải thán phục thì chúng ta lại cho thiên hạ thấy cái cổ lổ, lạc hậu, mê tín dị đoan của nước mình. Thiệt quê hết biết luôn!

Tôi nghĩ các màn hát Chầu Văn biểu diễn trên TV cũng rất hay sao không mang ra mà trình diễn.

Về phần ẩm thực, thông báo có bán phở mà gần cả 2 tháng sau mới có thức ăn và khi có thì rất tệ. 
Điều đó cho thấy Việt Nam không chuẩn bị gì cả. Giống như đến đó rồi mới bắt đầu tìm người cho thầu bán thức ăn vậy.

Nói về ẩm thực, ai cũng nói thức ăn không ngon, giá lại mắc. Chỉ 2 cuốn gõi cuốn mà giá 8 euros, tức gần 10 dollars, trong khi ở Mỹ giá chỉ 3,4 đô thôi. Người Nhật thì lúc nào cũng đãi ngộ cho du khách, còn người VN mình thì thật lạ, hể có dịp thì chặt chém. Trong khi những gian hàng thức ăn các nước khác giá chỉ bằng ở Mỹ. Gian hàng McDonald's giá cũng tương đương như ở Mỹ. Các nước khác họ còn chăm sóc thức ăn rất kỹ như ở nhà hàng Pháp, nước lọc họ bán cũng đặc biệt đem từ Pháp qua. Ở dưới lầu bên ngoài nhà hàng Pháp một ổ bánh mì thịt lớn giá chỉ 5 euros. Họ còn để máy nước lọc cho hàng chục, hàng trăm ngàn người uống nước miễn phí. 

Môi trường sống thì chưa đạt, trong khi ẩm thực cũng là hạng mục chính của chủ đề lần này mà Việt Nam thì không nói gì đến cả. Trình bày thì toàn là hàng hoá rẻ tiền, ngoại lai, thật hổ thẹn. Có một du khách Hà Lan hỏi tôi và tôi đã muốn khóc !

Đó là tất cả những gì tôi nhìn thấy trong ngôi nhà Việt Nam ở Expo 2015 Milan. Tôi thật buồn, tiếc và cứ tự hỏi : Tại sao?

Tôi có cảm giác chương trình và cách trang trí không phải là của cấp quốc gia được chăm chút kỷ lưởng, mà là của một nhóm người dành được quyền đi dự rồi muốn làm sao thì làm cho có lệ thôi. 

Nước VN kỷ sư, tiến sĩ, thạc sĩ đông đến nỗi " thuyền chở không hết ", sao lại không ai làm được một chút nhỏ bé đó cho nước Việt Nam?

Đọc xong bài này Expo tới dám mấy người mời tui làm cố vấn lắm à nha!

Hoàng Kim Mimosa
Jun 2016

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

TRƯỜNG XƯA KỶ NIỆM


TRƯỜNG XƯA KỶ NIỆM

Cánh cổng Trường xưa khép lại rồi
Muôn mầu kỷ niệm vẫn trong tôi
Bao lớp người đi giờ xa khuất
Vẫn nhớ Thầy Cô cả một đời...

Thời gian thoăn thoắt trôi, mới đây mà tôi xa ngôi trường đầy kỷ niệm đó đã hơn bốn mươi năm.

Bốn chử Bán Công Lái Thiêu nghe có vẻ rất khép nép, khiêm nhường, vì chúng tôi chỉ có bốn lớp Đệ Thất, Lục, Ngũ, Tứ và chúng tôi học chung trường với các em lớp Tiểu học. Từ cổng nhìn vào là một dãy lớp học trên cao chiếm gần hết bề mặt của sân trường. Tiếp nối bên trái là một dãy lớp được xây cất theo một vòng cung hình chử C. Đó là các lớp dành cho các em Tiểu Học.

Các lớp Trung Học Đệ Nhất cấp của chúng tôi nằm bên phải khuôn viên trường sau Văn phòng Hiệu Trưởng. Ngoài sân trường trước lớp tôi là cây Phượng Vỹ thật to nở hoa đỏ ối mỗi độ Hè về. Giữa sân trường là cột cờ thật cao với lá cờ tổ quốc luôn bay phất phới.

Cái sân cát trắng đó gợi nhắc chúng tôi một hình ảnh khó quên, đẹp lung linh, sắc mầu. Mỗi buổi sáng thứ hai khi trường tổ chức lễ chào cờ, các bạn nam với quần xanh, áo trắng, còn chúng tôi đứng thẳng tắp, hàng hàng với những chiếc áo dài xanh rợp sân trường và cất cao tiếng hát.

Ở Thị trấn Lái Thiêu nhỏ bé ngày đó ngôi trường mang tên Bán Công Lái Thiêu khá là nổi tiếng. Nổi tiếng đó là vì tôi tự ca ngợi ngôi trường của mình. Mà tôi cũng thấy trường tôi có nhiều lý do để nổi tiếng lắm chứ. Lý do thứ nhất để trường tôi nổi tiếng đó là các cô giáo của chúng tôi đều rất xinh đẹp như :

Cô Thanh Tùng dạy Việt văn đẹp rạng ngời, sang cả. Cô hay mặc áo dài hoa và nhìn rất dịu dàng. Tôi cũng đặc biệt được Cô ân cần chăm sóc vì Cô là bạn của anh chị tôi. Thỉnh thoảng lớp tôi cũng hay đi chơi Vườn trái cây và đi dã ngoại với Cô rất là vui và đầy kỷ niệm...

Kế đến là Cô Hồng Cúc dạy Lý Hoá. Cô đẹp thuỳ mị, đoan trang. Cô rất hiền nói chuyện nhỏ nhẹ và cũng rất thân tình. Cô rất ấn tượng với chiếc áo dài tím và mái tóc dài thắt bím thả hai bên. Cô cũng thường nói chuyện ân cần và rất thương chúng tôi.

Cô giáo trẻ nhất là Cô Uyên dạy Công Dân, Cô đẹp trẻ trung lại hát rất hay. Do đó thỉnh thoảng sau giờ dạy là chúng tôi lại yêu cầu Cô hát. Những bài hát của Cô như : Nắng Thuỷ Tinh, Diễm xưa, Mùa Thu Chết... cũng đã theo tôi nhiều năm trong cuộc đời. Ấn tượng nhất với tôi là dáng người nhỏ nhắn của Cô với chiếc áo dài mầu xanh két. Vì hâm mộ Cô nên sau này tôi cũng xin Ba may một chiếc áo dài xinh xắn giống như Cô.

Cô giáo dạy Nữ Công Gia Chánh của chúng tôi là cô Vân Nga. Cô nhỏ người xinh xắn và cô rất hiền. Giờ nữ công là giờ tôi rất thích, vì có lẽ là con nhà nòi nên tôi thêu thùa, may vá rất giỏi. Nên lúc nào giờ nữ công tôi cũng được cô cho điểm cao nhất.

Cô Anh Hoàng dạy Toán tóc ngắn, Cô ốm và cao, Cô hay mặc áo dài màu nhạt. Cô hơi nghiêm một chút nhưng cũng rất dễ thương. Có lần cả lớp chúng tôi hè nhau trốn học để đi chơi và về trể giờ vào lớp. Thế là cô giận quá cho vô sổ điểm từ trên xuống dưới mỗi đứa hai con zero to tướng. Khi Cô về rồi chúng tôi mở sổ điểm ra coi và cười ngất, rồi cùng nhau la lên : không sao, không sao tụi mình bằng nhau hết mà... Vậy là không đứa nào sợ hai con số không mà Cô cho hết.

Có lẻ Trường tôi là nơi hội tụ nhiều cô giáo xinh đẹp như vậy, nên các thầy về dạy ở Trường cũng phong độ ngời ngời không kém gì các cô giáo.

Đầu tiên là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hoa dạy Anh Văn, Thầy hay mặc áo hoa như dân Hạ Uy Di, Thầy cũng hay cười và có tài ăn nói. Thầy cho điểm bài làm rất dể dãi nên lúc nào chúng tôi cũng được điểm hai mươi. Lâu  lâu có giờ rảnh rổi Thầy còn dạy chúng tôi cắm hoa.

Kế đến là Thầy Võ trí Khôn dạy Pháp Văn tướng mạo đỉnh đạc, khi nào đi dạy Thầy cũng ăn mặc bảnh bao ra vẻ dân Tây. Thầy nói tiếng Pháp như gió, giọng nói dõng dạc và Thầy cũng là người đầu tiên dạy chúng tôi điệu nhảy ChaChaCha trong màn vũ Saigon. Thầy hay đến tiệm của Ba tôi may quần áo, cũng như hay đến chơi hàn huyên cùng gia đình tôi.

Với thầy tôi có một kỷ niệm thật đau lòng và khó quên. Vào khoảng đầu thập niên 80 tôi và chồng tôi cùng về quê Ngoại thăm ông bà tôi ở Cái Tàu Hạ Sa Đéc. Một buổi sáng chúng tôi đang đi dạo dọc bờ sông thì nghe có tiếng rao vang lồng lộng cả khúc sông : Ai mua bánh tét, bánh ít hôn... Ai mua...

Nghe tiếng rao tôi nhận ra là Thầy ngay... Tôi thật ngạc nhiên và xúc động vì Thầy đang chèo xuồng đi bán bánh dạo ở ven sông. Thế là chúng tôi đứng trên bờ sông kêu lớn lên gọi thầy. Tôi gặp thầy, ôm lấy thầy mà nước mắt cứ rơi. Chúng tôi mời Thầy lên nhà và mua hết bánh của Thầy để Thầy không phải đi bán nữa.

Ngày hôm đó thầy đã ở đó với chúng tôi đến chiều, biết bao điều để nói sau bao năm xa cách. Đến khi ra về, Thầy không chịu nhận tiền chúng tôi cho nên tôi phải lén nhét tiền vào túi áo của Thầy. Sau đó chúng tôi cũng đến nhà Thầy để thăm Cô và các em, gia đình Thầy lúc đó đang sống với nghề chăn nuôi ở đầu Vàm con rạch Bà Nghoe. Gia cảnh Thầy cũng rất khó khăn, Thầy nhờ tôi chăm sóc đứa con gái lớn của Thầy. Tôi nhận lời nhưng mãi sau vẫn không thấy Thầy đưa em lên Lái Thiêu, âu đó cũng là duyên số. Nhiều năm sau nghe tin thầy mất vì bệnh, chúng tôi đã rất buồn...

Nói đến môn Sử Địa là phải nói đến Thầy Lê Trung Hưng. Thầy có đôi mắt sáng và khuôn mặt thật cương nghị. Là một người thầy mà chúng tôi rất mến mộ. Thầy nhớ Sử rất tài và thầy dạy mà cứ như kể chuyện. Thầy giãng hay đến nỗi cứ đến giờ của Thầy là chúng tôi ngồi nghe mê mẫn, hết giờ rồi mà cũng không muốn ra về.

Thầy Nguyễn văn Lặc dạy Việt Văn cũng rất thu hút. Giờ của Thầy là chúng tôi được dịp nghe thầy đọc thơ, Thầy nói thao thao bất tuyệt nhiều chuyện vui và chúng tôi cũng được dịp cười thả giàn... Gia đình Thầy không biết giờ ra sao, nơi bến bờ nào hay vẫn còn lênh đênh trên biển cả.

Thầy Hiệp dạy Toán Đại số, Thầy đàn hát và làm thơ rất hay, chúng tôi vẫn luôn nhớ Thầy với bài hát Mưa Nửa Đêm và cũng được Thầy tặng một bài thơ thật lãng mạn mà tôi còn nhớ mãi đến bây giờ. Những đêm lửa trại với tiếng đàn của Thầy cũng là những ký ức đẹp trong lòng chúng tôi.

Thầy Mười dạy Toán Lý Hoá, tướng mạo điềm đạm. Thầy là người trầm tính nhưng cũng rất vui vẻ, hiền hậu và cũng rất thân tình với học sinh. Chúng tôi cũng có những ngày cắm trại với Thầy ở bải biển Vũng Tàu thật khó quên.

Thầy Quang Tấn Chánh dạy Toán, Thầy hiền thiệt là hiền và ít nói, nên đôi khi các bạn phá phách hoặc nói chuyện trong lớp thầy cũng cười và làm ngơ thôi.

Thầy Vinh dạy Công Dân, cao ráo, bảnh bao và chúng tôi cũng rất là hâm mộ Thầy.

Riêng Thầy Trọng dạy nhạc dáng dấp thư sinh, đặc biệt rất gần gũi và nhiệt tình với học trò. Tôi rất quý mến thầy và có một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời. Đó là năm lớp Đệ Thất lần đầu tiên lên sân khấu hát đơn ca, lúc đó tôi chỉ là một cô bé mới mười tuổi, thầy tập cho tôi hát bài Lối Về Đất Mẹ và thầy sợ tôi run nên thầy vỗ về trấn an tôi và ôm đàn đứng kế bên khi tôi hát. Có lẻ cũng nhờ thầy dìu dắt những bước chân đầu tiên đó mà sau này khi lớn hơn, các bạn làm Bích báo tặng cho tôi biệt danh là " Giọng ca đổ lệ " và tôi cũng thích ca hát cho đến ngày hôm nay. Dạo đó chúng tôi nghe tin Thầy đã ra đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc, nhưng không biết giờ đây Thầy đang ở phương nào...

Cuối cùng là người Thầy rất gần gũi, thân tình với chúng tôi đó là Thầy Giám Thị Đào Văn Nghị. Đầu tiên gặp Thầy chúng tôi thấy thầy dữ lắm nên cũng hơi sợ. Có một hôm bạn trai trong lớp tôi phá phách, nghịch ngợm gì đó tôi không nhớ rõ, hình như là dùng nguyên bàn tay vẽ năm con giun lên tường, nên thầy bắt cúi trên bàn và bảo tôi lên Văn phòng lấy roi mây cho Thầy. Tôi trở về lớp với cây roi mây trên tay mà không dám bước vào vì sợ thầy đánh bạn. Tôi cứ đứng ở cửa lớp ngập ngừng với đôi mắt tròn xoe sợ hãi. Rồi thì bổng nhiên Thầy và cả lớp nhìn tôi cười ầm lên... Vậy chắc là Thầy đã hết giận rồi.

Sau này chúng tôi không thấy Thầy nghiêm khắc nữa và Thầy lại là người gần gũi, ân cần với chúng tôi nhiều nhất cho đến tận bây giờ.

Còn một điều sau cùng và cũng rất quan trọng khiến trường tôi nổi tiếng nữa đó là, nhóm chúng tôi năm đứa, học giỏi, tóc dài, rất dễ thương... Chúng tôi được các bạn đặt cho biệt danh là " Ngũ Long Công Chúa " là những hoa khôi của trường học mà tiếng tăm đến các trường bạn ai cũng biết.

Buổi sáng sớm chúng tôi thường hẹn đi học chung, thế là năm cô gái hồn nhiên với năm mái tóc dài đi giăng ngang cả con đường, vậy là...không biết bao nhiêu cây si đã mọc lên dọc theo con đường mà chúng tôi đã từng qua.

Có đôi khi các Thầy trong ban Giám Hiệu cũng nhức đầu vì chúng tôi " bị " các bạn trai trường khác theo đuổi. Nào là gửi thư về trường, nào là bỏ thư dưới học bàn, nào là vô trường học, đưa đón...

Buổi sáng nào vô lớp các bạn cũng lục học bàn của chúng tôi để xem thư tỏ tình của các bạn trai, có hôm tôi còn bị các bạn viết nguyên lá thư của chàng trai tỏ tình đó lên bảng nữa, học trò thật là phá không chịu nỗi, nhưng cũng rất dễ thương và đó là kỷ niệm...

Chúng tôi cũng có các bạn trai trong lớp thầm yêu thương, nhưng rồi dòng đời muôn vạn nẻo. Đó cũng chỉ là những mối tình nhẹ nhàng, thơ mộng như cơn gió thoảng qua của tuổi học trò. Ngoài ra trường tôi còn rất nhiều người đẹp khác nữa, mà khiến các chàng trai phải điêu đứng, tương tư...

Riêng bản thân tôi ngôi trường đó cũng là nơi có một kỷ niệm lớn trong đời. Đó là lần đầu tiên tôi gặp một chàng trai phong độ, hào hùng. Anh về phép ghé thăm người anh là thầy Hiệu Trưởng. Lúc đó các bạn tôi xì xào bàn tán về anh, riêng tôi thì tôi không có một ý nghĩ nào cả, bởi vì tôi không quen biết anh. Thế mà nhiều năm sau đó không biết duyên nợ thế nào mà chúng tôi lại gặp nhau, anh đến nhà đeo đuổi mãi và cuối cùng thì...chúng tôi kết hôn.

Đó, quý vị thấy không? Trường tôi có quá nhiều kỷ niệm, có thật nhiều chuyện đặc biệt như vậy thì làm sao mà không nổi tiếng cho được. Thời buổi đó còn nhiều phong kiến, thế mà chúng tôi vẫn sống ngây thơ, hồn nhiên như những nàng thiếu nữ hiện đại. Chúng tôi đã đi qua cái tuổi thơ dữ dội đó, đã đi qua cái tuổi ngọc nhiều mộng mơ, chúng tôi đã đi qua những con sóng bập bùng của tuổi mới lớn với tình yêu thương đầy bao dung của Thầy Cô.

Bây giờ nhớ về trường xưa, nghĩ đến Thầy Cô mà lòng đầy thương nhớ. Xin đốt một nén hương lòng để tưởng niệm những Thầy Cô đã ra đi. " Những người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ..."

Lúc nào chúng tôi cũng nhớ ơn Thầy Cô đã ban cho chúng tôi tình yêu thương và kiến thức để bước chân vào đời.

      Ơn Thầy như hạt mưa rơi
Ơn Cô đầy cả giếng khơi cuộc đời
      Dù cho vật đổi sao dời
Ngàn năm vẫn mãi một đời khắc ghi...

Hoàng Kim Mimosa

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

NGHỆ THUẬT CẮM HOA


MÙA XUÂN VÀ NGHỆ THUẬT CẮM HOA NHẬT BẢN 


Năm tôi học lớp Đệ Tứ
 trường Bán Công Lái Thiêu thì Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Ngọc Hoa dạy môn Anh Văn. Lớp Anh Văn là sinh ngữ hai nên chúng tôi học khá là nhàn nhã, thấy chúng tôi học giỏi như vậy nên thỉnh thoảng Thầy " khuyến mãi " dạy thêm cho chúng tôi " Nghệ Thuật cắm hoa Nhật Bản ". Lúc đó tôi mới biết thế nào là cành Shin cành Soe và cành Hekae. Bước vào thế giới của bông hoa thì tôi rất là yêu thích vì đó là nghề của con gái mà. Thế là từ đó tôi say mê cắm hoa, rồi thì mua đủ các thứ dụng cụ để tập tành, tìm hiểu và học hỏi thêm về môn học thanh nhã đó. 

Nghệ thuật cắm hoa lkebana có ý nghĩa văn học là " hoa sống "đã có ở Nhật Bản từ 1500 trước. Là nghệ thuật diễn tả tình cảm khi thưởng thức thiên nhiên. Người Nhật có sự phát triển độc đáo trong cách cắm hoa hoặc trồng cây Bonsai. Có thể được lý giải bởi tình yêu của người Nhật đối với thiên nhiên. Mọi người đều yêu thích vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng riêng đối với người Nhật họ thật sự hiểu rõ giá trị tuyệt vời của thiên nhiên, cho nên chúng ta nhìn thấy rõ ràng họ nâng niu và trân quý. Cứ thử nhìn một khu vườn Nhật Bản là chúng ta sẽ thấy ngay điều đó.

Ikebana là phong cách cắm hoa độc đáo của riêng người Nhật, còn được gọi là Kado hay Hoa Đạo . Họ cũng đem vào 
sử dụng trong Trà Đạo với khuynh hướng thật mộc mạc,    thanh cao. Các tác phẩm Ikebana đều được dựa theo một hình tam giác biểu tượng cho Thiên, Địa, Nhân hay Mặt  trăng, Trái đất, Mặt trời. 

Khác với phong cách cắm hoa ở các nước Phương Tây là bình hoa có rất nhiều hoa, mầu sắc rực rở được cắm thành hình chóp, hình cầu... Giữa những cành hoa không có không gian, cũng như không mang một ý nghĩa sâu sắc nào cả.

Thì phong cách cắm hoa của Người Nhật dùng ít hoa, mầu sắc nhẹ nhàng, thanh thoát. Người Nhật thường tạo ra sức sống cho các bông hoa cũng như sự chuyển động hướng về phía mặt trời. Ikebana là nét văn hoá truyền thống tuyệt vời của người Nhật Bản. Đối với người Nhật cắm hoa là một nghệ thuật cũng giống như hội họa hay điêu khắc. Cho nên các bình cắm hoa cũng được họ trưng bày như các bức tranh hay các tác phẩm nghệ thuật khác vậy.

Để cắm được một bình hoa đẹp hay tạo nên một tác phẩm Ikebana đẹp, việc quan trọng đầu tiên bạn phải làm là chọn ra được loại hoa có ý nghĩa và nguyên liệu phù hợp. Trước khi cắm, bạn nên chọn hướng đẹp nhất của bông hoa để cắm. Hãy tưởng tượng như chúng đang mĩm cười với bạn và hướng chúng về phía mặt trời.

Các bạn có thể chọn bình hoa đứng hoặc bình hoa thật thấp với đế đinh hay đất.
Cách dùng hoa hay vật liệu trang trí cũng có ý nghĩa rõ ràng cho từng mùa, đi đôi với cách xếp đặt hay trình bày :
Mùa Xuân : Cách xếp đặt đầy sức sống với các đường cong biểu hiện đầy sinh lực.
Mùa Hạ : Xếp đặt cho tỏa ra và tràn đầy.
Mùa Thu : Xếp đặt sao cho mỏng manh, thưa thớt và nhẹ nhàng.
Mùa Đông : Xếp đặt sao nhìn đượm buồn và lắng nghỉ.

Ngoài ra cách cắm hoa cũng biểu hiện được thời gian, năm tháng mà bạn muốn diễn đạt như :
Quá khứ : Dùng hoa nở hết, trái cây khô hay lá cây khô.
Hiện tại : Dùng hoa đang nở hay lá cây xanh tươi.
Tương lai : Dùng nụ hoa hay nụ lá để hứa hẹn cho sự tăng trưởng sắp tới.

Người Nhật Bản cắm hoa theo cách tổng quát như sau : hoa hay cành lá gồm ba nhóm được xếp đặt theo hình tam giác. Có ý nghĩa là Thiên, Địa, Nhân ( Trời, Đất, Người ). Chính trong cấu trúc này mà cách cắm hoa được hình thành.

Nhóm chính ở giữa thẳng đứng, được tượng trưng cho Trời ( Shin hay Ten ). Đây là đường trung tâm của bình hoa, các bạn nên chọn cành hoa nào mạnh mẻ và cao nhất. Chiều cao của cành này bằng ba lần chiều cao của bình hoa.( Điều này áp dụng tuỳ theo bình hoa ).
Tiếp theo là cành thứ tượng trưng cho Người ( Soe hay Jin ), chiều cao của cành thứ bằng 2/3 chiều cao của cành chính. Các bạn xếp đặt thế nào để diễn tả đường hướng phát triển được bung ra từ đường trung tâm và có phần hơi nghiêng về cành chính.
Cuối cùng là cành thấp nhất, chiều cao bằng 1/3 cành chủ, tượng trưng cho Đất ( Hikae hay Chi ) được cắm xoay về phía trước hay đối nghịch với hai cành kia.
Tất cả ba phần phải cho thấy là xuất phát từ một nguồn cội. Sau đó các hoa lá khác được thêm vào mỗi phần, nhưng cách bố cục khéo léo của ba phần chính vẫn được coi là quan trọng nhất.

Có rất nhiều trường phái trong phong cách cắm hoa Ikebana, trường phái Rikka tạo nên cách cắm hoa thật công phu, họ muốn tìm cách phản ảnh sự hùng vĩ của thiên nhiên. Cho nên họ dùng bình to và luôn có 7 cành thể hiện Sông, Suối, Núi, Hồ, Thung lũng...và như vậy thì cách thể hiện sẽ phức tạp hơn.

Thế nên trong bài này tôi chỉ muốn nói đến Shoka là phong cách cắm hoa thông dụng và phổ biến nhất trong Ikebana, được đơn giản hoá từ phong cách cắm hoa theo kiểu thẳng đứng, để dể phù hợp với tất cả mọi người.

Mong rằng các bạn sẽ dể dàng cắm được một bình hoa thật đẹp theo phong cách Nhật Bản để đón chào năm mới.

                                                                                                                                                        Hoàng Kim Mimosa

BÌNH DƯƠNG...

BÌNH DƯƠNG QUÊ HƯƠNG TÔI

Em là người đẹp đất Bình Dương
Má hồng môi thắm thật dễ thương
Ai có qua đây xin dừng bước
Lưu lại trong tim một bóng hình...

Nói đến Bình Dương thì ai cũng nghĩ đến cụm từ " Người đẹp Bình Dương " mặc dù đó chỉ là tên của một bộ phim do nữ tài tử Thẩm Thuý Hằng đóng vào giữa thập niên 50. Lúc bấy giờ Thẩm Thuý Hằng có lẽ là người đẹp danh tiếng nhất Việt Nam thủ vai chánh trong phim và bộ phim này đã đưa nàng lên đài danh vọng. Mặc dù Thẩm Thuý Hằng không đại diện cho con gái Bình Dương, nhưng từ đó các cô gái Bình Dương cũng rất hãnh diện vì vô tình đi đâu cũng được gọi là " Người đẹp Bình Dương ".

Con gái Bình Dương cũng khá đẹp, có thể nhờ đất đai trù phú với nhiều sông rạch và nhiều cây ăn trái. Các cô lại được ăn trái cây tươi quanh năm nên khuôn mặt tươi tắn, làn da mịn màng, thì xinh đẹp âu cũng là lẽ tự nhiên.

Về vị trí địa lý thì Bình Dương nằm về hướng Bắc Saigon, giữa tả ngạn sông Saigon và hữu ngạn sông Đồng Nai. Sông Saigon chảy ngang qua Lái Thiêu đến Bình Dương tạo nên một cảnh trí sông nước và vườn cây trái thật là thơ mộng và đó cũng là nguồn phù sa cung cấp dinh dưỡng cho các vườn cây ăn trái.

Lái Thiêu là một Huyện đẹp và trù phú nhất trong các Huyện của tỉnh Bình Dương. Lái Thiêu cũng nằm sát ranh giới Saigon cho nên người Bình Dương cũng được tiếp thu toàn bộ văn minh của Saigon, tuy nhiên người Bình Dương vẫn giữ được vẻ thật thà, chất phát của dân nhà vườn.

Mỗi năm đến mùa trái cây từ tháng 4 đến tháng 7 là người dân Saigon và khắp nơi đổ về khu du lịch Cầu Ngang ( Lái Thiêu ) để hưởng cái thú thanh nhàn, nằm võng đong đưa, thư giản trong vườn trái cây và ăn trái chín từ trên cành hái xuống. Đó cũng là nơi chốn hẹn hò lý tưởng của tất cả nam thanh nữ tú Saigon và các vùng phụ cận. Lái thiêu nổi tiếng có nhiều trái cây đặc sản rất ngon như Sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ, chôm chôm, xoài, dâu, bòn bon...và trái cây luôn có cả bốn mùa.

Kế nữa phải nhắc đến các món ăn đặc biệt mà chỉ Lái Thiêu mới có đó là Nem Lái Thiêu. Ở các vùng khác cũng có nhiều Nem tiếng tăm như Nem Thủ Đức, Nem Ninh Hoà, Nem Lai Vung Đồng Tháp...Nhưng Nem Lái Thiêu cũng có hương vị rất riêng, rất đặc biệt mà không đâu sánh được. Món ăn kế tiếp mà ai cũng biết đó là Bánh bèo bì Mỹ Liên ở Búng, dân sành điệu vào Quán ai cũng thử qua nhiều món như Nem Lái Thiêu, bì cuốn, chả giò, bánh bèo bì, bún thịt nướng... món nào cũng ngon và hấp dẫn hết. Đến Lái thiêu mà chưa thưởng thức các món ăn này thì thật là tiếc. Nói đến thức ăn thì còn có Kẹo Hột Điều, Hủ tíu Cây Dừa và Mì Cây Me Bình Dương cũng là những món ngon đáng kể.

Ngoài ra Tỉnh Bình Dương ngày nay còn có khu du lịch Đại Nam, còn gọi là khu du lịch Ngũ Hành Sơn hay Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến được xây dựng rất qui mô và nổi tiếng. Đó là một địa điểm du lịch mà khi đến Bình Dương các bạn khó có thể bỏ qua.

Bình Dương cũng được biết đến về ngành Thủ Công Mỹ Nghệ như Sơn Mài Trần Hà và Thành Lễ. Riêng ngành Gốm Sứ thì được tổ chức rất quy củ và lâu đời do người Hoa làm chủ. Đến Lái Thiêu thì các bạn phải đến tham quan Phòng trưng bày Minh Sang của Cơ sở Gốm Mỹ Nghệ Minh Long 2, địa điểm Quốc Lộ 13 gần cầu Ông Bố. Nơi đó các bạn sẽ nhìn thấy những sản phẩm rất tuyệt vời của ngành Gốm Sứ Lái Thiêu, đã vang danh trong cả nước và cũng được xuất cảng ra các nước ngoài. Đó cũng là niềm hãnh diện của người dân Lái Thiêu.

Sau Tết hằng năm đến ngày Rằm tháng Giêng thì các Bang Hội người Hoa lại tổ chức Lễ Hội Cộ Bà rất lớn tại 2 địa điểm Chùa Bà Bình Dương và Chùa Bà Lái Thiêu. Mọi người từ khắp nơi ào ạt đổ về viếng cảnh Chùa cũng như tham dự Lễ Hội từ những ngày trước, cho nên quang cảnh thật vui vẻ và náo nhiệt.

Tỉnh Bình Dương có 4 nguồn lợi kinh tế chính đó là Đồn Điền Cao Su, Lò Gốm, Sơn Mài và Vườn cây ăn trái. Hiện nay Lái Thiêu cũng là nơi quy tụ tất cả các doanh nghiệp lớn của nước ngoài, đó là Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore. Điều đó đã làm cho Lái Thiêu mỗi ngày thêm phồn thịnh. Tất cả những thứ đó đã tạo nên một tỉnh Bình Dương xinh đẹp, phú cường.

Do đó nếu ai chưa đến Bình Dương thì cũng nên đến một lần để tham quan khu du lịch Đại Nam, nét đẹp Văn Hoá Việt. Để tham quan làng Gốm Sứ Mỹ Nghệ Lái Thiêu, để thưởng thức những món ăn đặc sản không đâu có được, để du lịch " miệt vườn " Lái Thiêu và nhất là để đắm mình bên dòng sông hiền hoà thơ mộng với những cây trái trĩu quả cũng như để ngắm nhìn các cô gái duyên dáng có biệt danh Người đẹp Bình Dương.

                                                           Hoàng Kim Mimosa

NỖI BUỒN...

NỖI BUỒN CỦA BẠN

Có người ước làm chim
Bay xa khắp mọi miền
Đến nơi chốn bình yên
Cho quên hết muộn phiền...
Rồi khi đến nơi xa
Chỉ có một mình ta
Vắng vẻ im lìm quá
Dài những tháng năm qua...
Đời tưởng thật bình yên
Sao thấy lòng trống vắng
Nhớ nhung đời mưa nắng
Lại muốn chút muộn phiền...
Mong trở về nơi xưa
Tìm lại một chút tình
Chút hạnh phúc mong manh
Dẫu đời có loanh quanh...

Hôm nay bạn của tôi gặp chuyện buồn, nàng bảo rằng :
Con người quá phức tạp !
Nàng ước gì có đôi cánh để có thể bay đến một phương trời nào đó không còn thấy ai !?

Nàng ước gì có đôi cánh để bay thật xa, nơi đó không có loài người xấu xa, đáng ghét này. Nàng muốn trốn tránh nỗi buồn, trốn tránh nỗi phiền toái này.

Nhưng nàng quên rằng nàng sẽ cô độc một khi chung quanh nàng không còn ai...và nỗi cô độc có thể còn đáng sợ hơn nhiều. Lúc đó có thể nàng sẽ mong muốn được chút phiền toái trong cuộc đời.

Thôi thì hãy xem nhẹ nỗi buồn. Hãy làm hoà với đời sống để bao dung với họ. Hãy xem nhẹ những điều đã xảy ra. Chung quanh ta chắc hẳn còn rất nhiều người tốt, nhiều người đáng yêu nữa mà.

Có những người họ biết chung quanh họ có hàng triệu người nhưng chỉ thiếu vắng... một người thôi là họ đã cảm thấy trái đất này như sụp đổ dưới chân họ. Họ than thở, khóc lóc, đau khổ...

Không còn ai đi chung một đời
Không còn ai chia sớt nồng say
Không còn ai nghe lời thở than
Đêm tôi về một bóng đơn côi...

Nhưng nếu họ xem nhẹ đi, thượng đế ban cho thì cũng có thể lấy đi, cầm lấy được, gìn giữ được thì buông bỏ được. Mọi chuyện đều như thế, cái buồn đau của ngày hôm nay sẽ nhẹ hơn trong ngày mai. Thời gian sẽ giúp chúng ta lãng quên...

Hôm nay họ đang đau khổ đến tột cùng bị người yêu phản bội, mất đi người thân, mất đi tài sản...có người nghĩ rằng không vượt qua được nỗi đau đó, bèn nghĩ đến chuyện buông xuôi, nghĩ đến chuyện tự tử... Nhưng ý nghĩ đó nếu chỉ vài giờ sau sẽ không còn. Vài ngày sau, vài tháng sau nỗi đau đó sẽ dần biến mất, chỉ là thời gian.

Người yêu nếu ra đi thì cũng hãy xem như " tái ông mất ngựa ", thà sống thật một lần còn hơn sống giả dối suốt đời. " Vì yêu nên anh hay em cứ đi đi...". Hãy tin rằng ngày mai các bạn sẽ gặp người tốt hơn, yêu thương các bạn chân thật hơn.

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thật!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say...

Hãy xem nhẹ nếu người đã ra đi. Hãy xem như một cơn gió thổi, một áng mây bay...Hãy làm quen với nỗi đau, hãy vui vẻ tiếp nhận nó. Có thể từ đó các bạn sẽ trải nghiệm được nhiều thứ khá lãng mạn như : nỗi đau hạnh phúc, nỗi đau ngọt ngào... hoặc cẩn thận hơn khi gặp người lường gạt, kinh nghiệm hơn với những kẻ phụ tình, không còn " tin một người đến nỗi rơi lệ..."

Có thể nỗi đau đó sẽ cho chúng ta những bài học đích đáng trong trường đời mà chúng ta phải đi qua. Cho nên dù có oán hận gì thì cũng nên cám ơn họ. Cám ơn họ đã cho chúng ta biết lòng người giả trá, bạc đen.

Và nên trả thù họ, quyết chí trả thù... bằng cách sống tốt hơn họ. Sống hạnh phúc hơn.

Lúc đó thì các bạn đã có thể cười sảng khoái rồi, đúng không?

Hoàng Kim Mimosa
        Sept 2016

MÙA NOEL XƯA...


MÙA NOEL XƯA...

Năm nào cũng vậy, cứ đến Giáng Sinh là tôi thấy vui lắm. Tôi thích về Saigon để đi phố, để nhìn cảnh náo nhiệt, rực rỡ của Thương Xá của hàng quán, cũng như những gian hàng bày bán trên vĩa hè. Lòng tôi nôn nao, có nhiều thứ để xem quá. Mà lại cùng nắm tay đi bên cạnh anh chàng của mình nữa thì ôi chao, thật là tuyệt vời.

Các tiệm trang hoàng thật lộng lẩy những cây thông đủ màu sắc. Nhạc Giáng Sinh rộn rã vang vang. Quà, thiệp Giáng Sinh đủ thứ đầy ngập các gian hàng. Chúng tôi cứ thế dung dăng, dung dẻ đi qua bao nhiêu con phố. Cứ nhìn gian hàng nào có nhiều đồ chơi nho nhỏ là tôi lại xà vào cầm thứ này, thứ nọ lên ngắm nghía, thỉnh thoảng tôi hay trẻ con dừng lại thử cái mũ của ông già Noel, anh nghiêng đầu nhìn tôi rồi nói - Dễ thương quá mua đi em, không đợi tôi ưng thuận anh đã móc ví trả tiền. Thế là tôi cứ tung tăng bên anh với chiếc mũ đỏ trên đầu.

Chúng tôi cứ đi và cuốn theo làn người đông như trẩy hội. Trời Noel lành lạnh, anh hay nắm tay tôi và xoa giữa hai bàn tay anh cho ấm, nhìn anh đáng yêu như vậy, lòng tôi bổng bình yên lạ lùng. Khi thì chúng tôi ngồi quán nước vĩa hè để nhìn người qua lại. Thi thoảng lại đi ăn kem Bạch Đằng hay uống càfe ở Brodard để tận hưởng những giây phút êm đềm, ngọt ngào của mùa Giáng Sinh.

Đêm Noel chánh ở Saigon thì lại càng náo nhiệt hơn, chiều tối là chúng tôi lại chạy xe vòng vòng trên các phố, qua nhà Thờ Đức Bà, nơi này là xe đông nghẹt, nên cứ chen nhau mà đi, rồi thì chạy ra Bến Bạch Đằng ngắm sông nước về đêm. Người đâu mà nhiều vậy, xe đâu mà nhiều vậy. Hầu như giới trẻ Saigon ùa nhau ra phố, xe chạy như mắc cửi, đông vui không tả được. Ôi, Saigon yêu thương của tôi.

Có lần tôi theo nhỏ Thanh về ăn Noel trong một Xứ Đạo ở Ngã Ba Ông Tạ. Ở đó chỉ toàn là người Bắc, chắc chỉ có mình tôi là người Nam thôi. Nhưng tôi không cảm thấy lạc lỏng vì được rất nhiều người yêu thương. Đến đó tôi có một cô bạn có cái tên thật là dễ thương là Thụy Xá, tôi nghĩ đó là tên của một địa danh miền Bắc nên thật lạ. Cô bạn này thật hiền và thương tôi lắm, nên đan cho tôi thật nhiều áo len đủ kiểu. Không biết các bạn giờ ở đâu, còn tôi lúc nào tôi cũng nhớ các bạn. Ở đó thường có Thánh Lễ lúc 5 giờ sáng, ngày Noel thì có Lễ chiều, rất đông và vui. Các nàng đi Lễ thì tha hồ mà diện, thật dễ thương làm sao. Lễ xong thì chúng tôi cùng nhau đi Dạ vũ " Bal Fami " ở nhà một người bạn, ở đó toàn bạn trẻ nên chúng tôi vui chơi thật là thoải mái.

Ở quê tôi Lái Thiêu thì đêm Noel chúng tôi cũng có những thú vui tỉnh lặng hơn. Buổi chiều là chúng tôi cũng diện cho đẹp, chở nhau chạy vòng vòng đến nhà bạn, rồi chạy lên ngôi Nhà Thờ thật cổ kính nằm trên ngọn đồi thơ mộng, ngắm hang đá được trang hoàng lung linh trong ngàn vạn ánh đèn. Lòng dâng lên một cảm giác yêu thương khi nhìn Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ khó nghèo...

Chúa Thiên Đàng giàu sang đâu thiếu gì, mà đêm nay giáng trần chốn hang hèn náu mình. Ấy cũng vì Người yêu thương quá những ai đơn côi, ai khó nghèo, đành mang kiếp bọt bèo...
Đêm đông lạnh lẻo Chúa sinh ra đời. Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa...
Đó là lời những bài hát đã làm trái tim tôi lay động.

Sau khi đi Lễ đêm thì gia đình chúng tôi tụ hợp lúc 12 giờ đêm để ăn Réveillon. Noel nào cũng vậy anh em chúng tôi đi chơi tứ tán chỉ về nhà lúc giữa đêm để cùng ăn với gia đình thôi. Năm nào Má tôi cũng làm thức ăn sẳn cho các con, nhiều món ăn Tây như Gà quay hay Gà Roti ăn với salade. Ragu hay Cà ri ăn với bánh mì, món tráng miệng thì luôn có Rau câu và Buche de Noel. Ba và các anh thì uống rượu vang đỏ còn chúng tôi thì uống nước ngọt. Anh em chúng tôi thì vừa ăn, vừa ồn ào, hào hứng nói chuyện chí choé. Đêm Noel là một đêm thật đáng nhớ, đáng yêu của gia đình chúng tôi.

Năm nay mùa Noel lại về. Từng cơn gió Đông lành lạnh làm buốt giá tâm hồn. Noel nơi xứ người làm tôi chạnh lòng thương nhớ. Trong lòng tôi đang dâng trào những ký ức của bao mùa Giáng Sinh xưa. Mùa Noel của ngày thơ thật tuyệt vời, thật êm đềm và hạnh phúc mà tôi không bao giờ tìm lại được...

Hoàng Kim Mimosa
    Dec 2016